Là những “tân binh” trong ngành giao đồ ăn nhanh, Baemin và Loship đã phá bỏ lối mòn Marketing. Họ lựa chọn cho mình những hướng tiếp cận đến khách hàng riêng biệt. Đặc biệt, biển quảng cáo ngoài trời (OOH) đã được khai thác một cách triệt để.
Ngành Giao đồ ăn công nghệ đã thay đổi như thế nào sau hai chiến dịch đầy thành công này? Cùng DNX Agency tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Baemin – tận dụng phương thức cũ, thành công nhờ thay đổi sáng tạo
Mặc dù thâm nhập vào thị trường khá muộn, Baemin đã chọn những bước đi khôn khéo, từng bước lấy lòng của khách hàng thay vì tung một loạt các mã giảm giá như những đối thủ khác.
Với chiến lược “đánh chiếm từng vùng”, Baemin đảm bảo được thời gian giao hàng, mật độ tài xế trước khi mở rộng. Trong khi các đối thủ cố gắng cải thiện thời gian giao hàng, khuyến mãi hay miễn phí giao hàng thì Baemin lại tập trung vào khai thác cảm xúc của người dùng, làm cho họ cảm thấy thoải mái khi sử dụng dịch vụ của mình.
Bên cạnh đó, biển quảng cáo ngoài trời được Baemin tận dụng để giao tiếp với khách hàng. Không quá khó khăn khi bắt gặp các biển quảng cáo với nội dung đầy hài hước, vần điệu: “Gò Vấp, Anh thuộc lòng, Em bằng lòng, Anh giao”. Hay như biển quảng cáo đặt ở Tân Bình lại ghi: “Tân Bình, Nhà anh đó, Đặt là có, Anh giao”.
Thông điệp dễ nhớ, dễ hiểu. Baemin đã bước vào tâm trí của khách hàng một cách khéo léo như vậy!

Thừa thắng xông lên, Baemin tiếp tục sử dụng OOH
Sau chiến dịch địa phương hóa từng vùng cực kỳ thành công, Baemin tiếp tục chiến dịch lựa chọn từng quán ăn làm điểm chạm đến các tín đồ ăn uống. Những câu vần điệu được in hẳn lên các biển hiệu của quán ăn làm tăng trải nghiệm của khách khi đến ăn trực tiếp.
Các biển hiệu này không chỉ đóng vai trò làm biển quảng cáo, mà còn là lời nhắc của Baemin – muốn ăn gì cứ để Baemin lo, không cần phải nghĩ nhiều. Phương thức làm thương hiệu này cực kỳ tinh tế, quảng cáo nhưng không gây cảm giác khó chịu cho người xem.
2. Loship – Để khách hàng tự cầm bút viết quảng cáo
Sau chiến dịch OOH cực kỳ hiệu quả của Baemin, Loship cũng đã tìm được cho mình cách truyền thông riêng, mang đậm bản sắc bản địa, gần gũi và hóm hỉnh.
Với chiến lược Customer Obsession (ám ảnh bởi khách hàng), Loship đề cao người dùng trong việc để họ tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng thương hiệu của mình. Những tấm bạt che ở các quán được thiết kế bằng comment của chính khách hàng trên mạng xã hội. Tưởng chừng đơn giản, tuy nhiên đằng sau đó là cách làm thương hiệu cực kỳ khéo léo. Loship đã khiến cho khách hàng phải tập trung về mình, cảm thấy thích thú bởi những câu chuyện cực kỳ hài hước.
Tận dụng hơn 300 tấm bạt tại hơn 300 cửa hàng trên Tp. HCM và Hà Nội, toàn bộ nội dung trên bạt hoàn toàn khác nhau và do hơn 1000 khách hàng tham gia đóng góp, sáng tạo và xây dựng câu chuyện cùng Loship. Không xuất hiện bằng những sự kiện hay chiến dịch rầm rộ và tiêu tốn quá nhiều chi phí, Loshop lựa chọn cách tiếp cận trẻ trung, không quá rập khuôn nhằm thể hiện tiếng nói và tính cách của thương hiệu.
Khi khách hàng đã “ngán” những quảng cáo một chiều…
Ngày nay, khách hàng đã quá chán những biển quảng cáo độc thoại, mang đầy tính thương mại. Điều mà họ cần chính là những biển quảng cáo có cảm xúc, cả khách hàng và doanh nghiệp có tương tác qua lại với nhau, tạo ra sự gần gũi và sáng tạo.
Loship để những biển quảng cáo “nói chuyện với khách hàng”, thay vì truyền tải quá nhiều thông tin nhàm chán. Chính những điều độc đáo này đã khiến khách hàng phải dừng lại để đọc, hiệu quả truyền thông cũng từ đó được tối ưu hơn.
Một chiến dịch truyền thông không nhất thiết phải rầm rộ, nhưng phải độc nhất trong tâm trí khách hàng. – Đại diện Loship cho biết.

Tóm lại là…
Không khó để nhận ra cả Baemin và Loship đều dùng cảm xúc của khách hàng làm nguyên liệu cho chiến dịch của mình. Chính việc thấu hiểu và quan tâm khách hàng, đặt khách hàng vào vị trí trung tâm đã giúp tăng độ nhận diện thương hiệu. Đồng thời có được chỗ đứng vững chắc trên thương trường cũng như trong tâm trí của khách hàng.
Chiến dịch của Loship và Baemin đều hướng đến trải nghiệm của khách hàng, làm hài lòng họ trong khi các đối thủ khác lại bị kẹt trong chiến lược về “mã giảm giá”. Không quá rập khuôn và máy móc, những quảng cáo của 2 thương hiệu này đều hướng tới sự giản dị, hài hước và gần gũi. Các đối thủ đều có cơ hội sử dụng OOH, tuy nhiên việc hai đơn vị này biến những biển quảng cáo trở nên “biết giao tiếp” với người xem mới là thứ giúp cho chiến dịch của họ thành công vang dội.
Sáng tạo là không giới hạn, một nhãn hàng bị rập khuôn theo những phương thức quảng cáo cũ sẽ không thể nào để lại ấn tượng sâu sắc trong khách hàng của mình. Nói cách khác, quảng cáo sẽ đi đôi với độc đáo, sáng tạo làm sao để vừa phù hợp với thời đại, lại tạo ra được nhu cầu của khách hàng, đạt được mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.